Read more at: https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/43595002-toi-co-mot-uoc-vong….html
Trang Trịnh thành danh rất sớm. Chị khẳng định tài năng với hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá khi vừa tròn 20 tuổi, được xem là “hiện tượng nhạc cổ điển” Việt Nam qua các dự án: Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội Muông thú… Năm 2019, Trang Trịnh là đồng tác giả của Sách Giáo khoa Âm nhạc lớp 1 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đưa vào áp dụng từ năm 2020 với một tình thần mới mẻ:“Âm nhạc là quanh ta, sáng tạo là vô giới hạn”.
Ðể trẻ hiểu và yêu âm nhạc
- Giáo dục âm nhạc trong nhà trường nhiều năm qua vẫn luôn là một vấn đề. Trong bộ sách của mình và các cộng sự, chị đã gỡ nút thắt này như thế nào?
- Vâng, việc được là một thành viên trong nhóm tác giả viết sách Âm nhạc lớp 1 quả là một vinh dự lớn và cũng là một thử thách lớn đối với tôi. Thật không dễ để chuyển đổi phương thức giáo dục, từ việc đặt nặng truyền thụ kiến thức, sang giáo dục với định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Trong môn Âm nhạc, điều này có nghĩa là chúng ta không chỉ cần dạy cho trẻ biết đây là nốt đen, mà còn phải làm sao để trẻ yêu nốt nhạc ấy. Yêu vì cảm nhận được vẻ đẹp của nốt đen trong giai điệu, yêu vì biết thể hiện được nốt đen ấy trong câu hát ngân nga, yêu vì biết sáng tạo ra một đoạn nhạc của riêng mình và yêu vì qua âm nhạc mà rung động với vẻ đẹp của một buổi sớm nắng lên... Cái khó là làm sao để không sa vào lối viết kinh viện, mà viết để phù hợp với các em ở nhiều vùng, miền, với những điều kiện khác nhau và những sắc màu văn hóa đa dạng. Khó hơn nữa là làm sao để cho giờ học thật vui. Trẻ học nhạc mà không thấy vui vẻ, hạnh phúc thì chắc chắn phải xem lại. Nhưng tôi nghĩ, con đường của sự thay đổi bây giờ mới chỉ chớm bắt đầu. Bởi vì cuốn sách giáo khoa sẽ không thể làm được sứ mệnh của nó nếu không có những giáo viên quyết liệt kế thừa và đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiệt huyết và sống động trong giờ lên lớp, và tràn đầy tình yêu để truyền cảm hứng cho học sinh. Chỉ có các thầy, cô mới có thể tạo ra sự thay đổi thật sự.
- Vậy tinh thần mà chị hướng tới trong bộ sách giáo khoa đó là gì?
- "Âm nhạc ở quanh ta, sáng tạo là vô giới hạn" là tinh thần của cuốn sách mà nhóm đã ấp ủ. Tức là làm sao để các em học sinh nhận ra âm nhạc thật gần gũi, ở ngay quanh em, chỉ chờ em khám phá và tận hưởng. Và thông qua âm nhạc, sự sáng tạo được chắp cánh. Sáng tạo là khả năng nhìn thấy và nhắm tới thứ chưa tồn tại. Còn âm nhạc thì cho ta sự tự tin vào khả năng ấy. Sáng tạo cũng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21.
- Theo chị, giáo dục âm nhạc trong nhà trường hiện nay đang gặp phải những vấn đề gì?
- Năng lực âm nhạc là thứ muốn xây dựng thì phải có được nhiều trải nghiệm phong phú. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn có rất nhiều nơi học nhạc mà không được nghe nhạc, vì không có đủ điều kiện học như loa, đàn... học nhạc chay, thậm chí học nhạc từ thầy, cô dạy bộ môn khác cũng không phải là điều hiếm gặp ở nhiều nơi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, đó là học nhạc mà không biết vì sao mình học nhạc. Trong nhà trường, có những nơi vẫn nhầm lẫn rằng âm nhạc là một bộ môn năng khiếu, môn phụ. Với tâm thế ấy, thật khó để các con hiểu rằng âm nhạc quan trọng và thiêng liêng đối với cuộc sống nội tâm, cũng như ảnh hưởng tới quá trình trưởng thành của chúng ta như thế nào.
"Lớp đất nền" cho tương lai
- Là một nghệ sĩ piano thành danh rất sớm, nhưng chị lại đi sâu và quan tâm đến vấn đề giáo dục âm nhạc nghệ thuật cho trẻ. Ðiều gì thôi thúc chị?
- Tôi có một ước vọng, là được rung động và được nhìn thấy sự rung động mang tính khai mở, biến đổi trong con người. Tôi nghĩ rằng âm nhạc chính là món quà mà Thượng đế đã tặng cho tôi để được sống hướng tới ước vọng đó. Khi chơi đàn trên sân khấu, hay khi đứng trên bục giảng, hay khi dạy các em nhỏ chơi đàn... bất kỳ nơi nào có sự rung động khai mở ấy thì tôi đều cảm thấy bị hấp dẫn.
- Chị và các cộng sự đã thành lập Wonder- một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiên cứu, thực hành và giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là đối tượng mầm non. Chị có thể chia sẻ về điều này?
- Wonder là một nỗ lực của tôi để kiến tạo một hệ sinh thái. Tôi tin vào trí tuệ tập thể và vào sức mạnh khi những người làm nghiên cứu, thực hành và giáo dục ngồi lại với nhau. Wonder có một nhóm nòng cốt nhỏ, linh động, hợp tác và kết hợp với các tổ chức, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khác để cùng làm những dự án có ý nghĩa, để xây dựng một xã hội với những tâm hồn sung túc. Còn lứa tuổi mầm non là lứa tuổi mà tôi vốn rất quan tâm, vì sự phát triển trong những năm đầu đời giống như việc chuẩn bị một lớp đất nền cho tương lai. Ðất ấy có tốt, có màu mỡ và được yêu thương thì những hạt giống rơi xuống đó mới lớn lên thành cây, thành rừng được. Mà âm nhạc lại có một thế mạnh đặc biệt trong cuộc sống của những con-người-nhỏ-xíu ấy. Tôi tin rằng âm nhạc sẽ phát huy tác dụng tuyệt vời của nó trong việc giúp các con trưởng thành trong hạnh phúc và hướng tới những giá trị tốt đẹp.- Nhìn lại chặng đường chị đã đi qua, từ các dự án Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội Muông thú, Dàn hợp xướng kỳ diệu… Có thể nói chị đã làm được nhiều hơn một nghệ sĩ biểu diễn, đó là những đóng góp cho cộng đồng với mong ước, đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả?- Tôi muốn không phải tự định vị mình vào một vai trò nào đó cố định. Về nhà, tôi cố gắng để làm một người vợ, người mẹ. Ðến lớp, tôi là một giáo viên. Lên sân khấu, tôi là một nghệ sĩ, tới nhà xuất bản, tôi là một tác giả. Và ở một khía cạnh khác, tôi là một công dân, với ước vọng khiến cho nơi mình sống trở thành nơi mình muốn thuộc về, một nơi sạch hơn, tử tế hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng hành trình quan trọng nhất của tôi là hành trình để được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Con đường này chẳng có khán giả, không người theo dõi hay tán thưởng. Và sự trưởng thành thì không phải lúc nào cũng dễ dàng.
- Chị có chia sẻ rằng, âm nhạc là một hành trình chia sẻ. "Nếu mình tìm thấy một điều gì đó đẹp đẽ mà chỉ giữ cho riêng mình thì cái đẹp đó chưa hoàn hảo, việc mình chia sẻ với mọi người giúp hoàn hảo trải nghiệm của chính mình". Có lẽ đó cũng là con đường mà chị theo đuổi?- Vâng, tôi không phải là một người có thể chỉ đắm chìm trong nghệ thuật. Tôi thấy âm nhạc đẹp lắm. Nó làm tôi rung động gần như hằng ngày... Nhưng tôi luôn ao ước được cùng một ai đó ngắm nhìn những vẻ đẹp ấy. Với tôi, đó mới là hành trình của âm nhạc. Hay như Goethe nói: "Nghệ thuật là hành trình đến với bản thể khác" (art is a voyage to the others).
- Sau bộ sách Âm nhạc lớp 1, chị sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình như thế nào?
- Tôi sẽ tiếp tục tham gia viết sách Âm nhạc lớp 2 cho tới hết tiểu học. Ðây là một công việc đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ và cũng chiếm một phần lớn thời gian của tôi. Tôi cũng vẫn tiếp tục tập luyện và biểu diễn chuyên nghiệp, dù các hoạt động này đang bị ảnh hưởng trên khắp thế giới bởi dịch Covid-19. Tôi đang hoàn thành chương trình giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi mầm non, kết hợp và học hỏi từ giáo sư lỗi lạc Kim Sung Kyun (Hàn Quốc). Tôi cũng sẽ là một trong các Equity Initiative Fellows 2020, tham dự các buổi trao đổi tại nhiều quốc gia, với mong muốn được nghiên cứu thêm về âm nhạc trong sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, tôi cũng sẽ dành thời gian nghiên cứu về vai trò của âm nhạc trong những năm đầu đời của trẻ, cũng như ảnh hưởng của điều đó tới sức khỏe tâm lý (mental health) của con người. Sắp tới, cuốn sách đầu tiên mà tôi hiệu đính sẽ ra mắt độc giả, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Beethoven. Và sẽ là những giờ tập đàn nữa chứ, bởi dù có làm gì, trước tiên tôi vẫn là một nghệ sĩ.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của chị.
Hạnh Nguyên (thực hiện)
Commentaires